Cách làm bài TOEIC Part 5 Từ loại: Danh từ

Trong tiếng Anh, Từ loại (Part of Speech) là một điểm ngữ pháp nhỏ trong một “biển” ngữ pháp thi TOEIC. Tuy nhiên, trong đề thi TOEIC, Từ loại là một phần bài tập chiếm khoảng 1/3 số lượng câu trong phần 5 và phần 6. 

Do đó, việc học và hiểu được vị trí từ trong câu, từ nào bổ nghĩa cho từ nào là một điều rất quan trọng để bạn “chinh phục” được kỳ thi TOEIC. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng có khả năng nhận diện và biết được loại từ cần chọn là loại từ nào.

Trong khuôn khổ bài viết này, mình xin tổng quát lại một số cách giúp nhận diện được Danh từ (NOUN) trong 1 câu để các bạn học và luyện thi Toeic được tốt hơn! 

Từ loại trong tiếng Anh: Danh từ


1. Về vị trí của DANH TỪ so với những từ khác trong câu:

  • LUÔN có 1 danh từ sau MẠO TỪ (a/an, the). Lưu ý là danh từ đó có thể không cần phải đứng ngay sau mạo từ mà có thể đứng cách đó 1 vị trí. Vị trí ở giữa mạo từ và danh từ sẽ là tính từ để bổ nghĩa cho danh từ đó. Ví dụ:

    • He has published a new book about monetary policy. → Anh ta đã phát hành một cuốn sách mới về chính sách tiền tệ. 

    • The accountant can review all the details of the financial statement with you. → Người kế toán có thể xem lại tất cả chi tiết trong báo cáo tài chính với bạn.

  • LUÔN có 1 danh từ đứng sau tính từ sở hữu (your, my, his, her, its, our, their).

    • The train’s departure was delayed because of the rain.→ Việc khởi hành của đoàn tàu bị trì hoãn vì mưa.

    • Do you need our assistance with any of the evening’s details? → Bạn có cần sự trợ giúp của chúng tôi về những chi tiết của buổi tối không?

  • CÓ THỂ có 1 danh từ đứng sau các từ hạng định (this, that, these, those, each, every, both, no, some, any, few, a few, little, a little,…)

    • It is important to do some research. → Việc làm nghiên cứu là quan trọng.

  • Sau các giới từ (on, at, in, under, with, of,…) là một DANH TỪ, cụm danh từ hoặc 1 động từ thêm -ing.

    • Additional information on financial aid →  Các thông tin bổ trợ về các quỹ viện trợ tài chính

    • I really doubt if she is capable of collaborating on this project. → Tôi thật sự nghi ngờ việc cô ấy có khả năng cộng tác trong dự án này.



2. Về vị trí của DANH TỪ trong 1 câu:

  • DANH TỪ làm chủ ngữ trong câu:

    • Thường sẽ đứng đầu câu, trước động từ được chia ở thì (thì hiện tại, quá khứ, tương lai). Ví dụ:

    • Failure to maintain the website is the main reason why sales are down. → Thất bại trong việc duy trì trang web là lý do chính khiến cho doanh thu đi xuống. 

  • DANH TỪ làm tân ngữ trong câu

    • Thường sẽ đứng sau động từ của câu. Ví dụ:

    • Garden maintenance companies must choose the right products → Các công ty bảo dưỡng vườn phải chọn đúng sản phẩm.

    • All students must sign up to get permission to attend the workshop. → Tất cả sinh viên phải đăng ký để được phép tham dự buổi hội thảo.

3. Sau động từ TO BE ta dùng DANH TỪ hay TÍNH TỪ?

Khi làm bài tập về từ loại, Về vị trí trong một câu, sau động từ to be, lúc thì dùng tính từ, lúc thì dùng danh từ. Vậy thì khi nào dùng cái nào? Để trả lời cho câu hỏi trên, mình xin nhắc lại định nghĩa về Danh từ và Tính từ.

Danh từ là từ chỉ người, khái niệm, vật,…. Ví dụ:

  • A smartphone is an electronic device. → Điện thoại thông minh là một thiết bị điện tử.

  • Affordability is a major concern. → Việc có khả năng chi trả là một mối quan tâm lớn.

  • The main function of the new device is internet use. → Chức năng chính của thiết bị mới là sử dụng được internet.

Tính từ là từ để miêu tả đặc tính của một sự vật, hiện tượng… Ví dụ:

  • Sometimes the manager is too flexible. → Đôi khi người quản lý quá linh động

  • It’s hard to tell if these shoes will be comfortable → Thật khó để nói là liệu đôi giày này có thoải mái hay không.

Từ 3 ví dụ trên, ta có thể thấy là các cụm danh từ đằng sau TO BE được dùng để định nghĩa thêm cho danh từ đó; như smartphone là gì, chức năng chính của thiết bị là gì,… Trong khi đó, nếu dùng tính từ sau TO BE thì lại để thể hiện tính chất của chủ ngữ của câu; như người quản lý thì linh động, giầy thì thoải mái…

Nói tóm lại , sau to_be, hãy ưu tiên dùng tính từ. Còn với danh từ thì ta dựa vào một số đặc điểm đã được đề cập trong phần 1 và 2; hoặc bạn có thể xuống phần 5 để xem bảng tóm tắt nhé

Lưu ý là bạn có thể sẽ gặp một số câu mà sau TO BE không phải là danh từ lẫn tính từ mà là V_ing và V_ed/3. Ví dụ:

  • The manufacturer is required to send you a replacement → Nhà sản xuất được yêu cầu là phải gửi cho bạn một sản phẩm thay thế.

  • We are promoting you to director of the department. → Chúng tôi sẽ thăng chức bạn thành giám đốc phòng.

 Trong 2 trường hợp này, bạn nhớ là to_be (am/is/are/was/were) được dùng để thể hiện cấu trúc của thì tiếp diễn hoặc của bị động chứ KHÔNG phải là đang chia ở thì hiện tại đơn hay quá khứ đơn.



4. Sau động từ thường, dùng DANH TỪ hay TRẠNG TỪ?


Về vị trí trong 1 câu, sau một động từ thường (như get, express,…), ta có thể dùng danh từ hoặc trạng từ. Vậy khi nào thì dùng cái nào?

Xem lại định nghĩa về Trạng từ. Trạng từ là từ dùng để bổ nghĩa cho một động từ thường, một tính từ, một câu hoặc một cho một trạng từ khác. Khi trạng từ bổ nghĩa cho động từ thường, trạng từ đó dùng để nói rõ hơn về cách thức mà động từ đó xảy ra. Ví dụ:

  • The child ran happily towards his mother. → Đứa trẻ chạy một cách vui vẻ, hạnh phúc đến chỗ mẹ của bé.

  • Inventory control cannot be performed automatically.  → Việc quản lý kho không thể được tiến hành một cách tự động 

Ta thấy trong 2 ví dụ trên, trạng từ là để bổ nghĩa cho cách thức hành động được xảy ra (chạy một cách hạnh phúc; được làm một cách tự động). Còn khi sau động từ thường là danh từ thì sẽ không phải để bổ nghĩa mà chỉ để đưa thêm ý vào cho câu. Ví dụ, so sánh 2 câu dưới đây:

  • Many residents of Alston have expressed opposition to the construction. → Nhiều dân cư của Alston đã bày tỏ sự phản đối trước việc xây dựng.

  • He openly expressed his anger. → Anh ta bày tỏ một cách thẳng thắn, công khai cơn giận của mình.

Trong ví dụ thứ 2, dùng trạng ngữ để bổ sung thêm ý nghĩa cho động từ “express” → bày tỏ như thế nào (một cách thẳng thắn). Còn trong ví dụ 1, dùng danh từ để đưa thêm ý vào trong câu → bày tỏ cái gì (sự phản đối).

Nói tóm lại, khi trước hoặc sau vị trí cần điền là một động từ thường thì ta ưu tiên dùng trạng từ để trả lời cho câu hỏi “how” (bằng cách như thế nào đó). Tuy nhiên, khi ta dịch câu và thấy vị trí cần điền dùng để trả lời cho câu hỏi “what” thì ta dùng danh từ.




5. Bổ nghĩa cho Danh từ thì dùng Tính từ hay dùng Danh từ (Mở rộng)


Trong quá trình làm bài về từ loại, thỉnh thoảng các bạn sẽ bắt gặp những bài như thế này:

  • The _____ fee for any of the Logistics Management courses is €25 a person.

Trước danh từ thì dùng gì để bổ nghĩa? Tính từ? Nếu đó là câu trả lời của bạn thì…xin chia buồn. Trong câu trên, đáp án là một danh từ (enrollment). Tại sao? Đề sai? Hay giáo viên sai khi nói tính từ luôn bổ nghĩa cho danh từ?

Câu trả lời là: Không ai sai cả. Lý do là trong một số trường hợp, ta có thể dùng danh từ để bổ nghĩa cho danh từ. Sự khác biệt là:

  • Dùng TÍNH TỪ để bổ nghĩa cho DANH TỪ khi cần mô tả người hay vật đó (a beautiful girl → cô gái đẹp)

  • Dùng DANH TỪ để bổ nghĩa cho DANH TỪ khi muốn nói về chức năng của người hay vật đó (a garden chair → ghế để trong vườn).

Chúng ta hãy so sánh 2 ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn:

  • history teacher → danh từ → giáo viên dạy về lịch sử (nói về chức năng)

  • historical teacher → tính từ → giáo viên thuộc về lịch sử = đã xa xưa rồi (mô tả về người giáo viên đó)

Do đó, ở ví dụ đầu mục, ta dùng danh từ để tạo thành cụm “enrollment fee”, nghĩa là phí đăng ký. Còn khi dùng tính từ thì là để mô tả phí đó cao hay thấp, bình thường hay bất thường, cố định hay sẽ còn thay đổi, vv.

Nói tóm lại , khi thấy cấu trúc MẠO TỪ + _____ + DANH TỪ thì hãy chọn tính từ. Trong trường hợp trong 4 phương án không có tính từ thì hãy chọn danh từ.



6. Tóm tắt một số điểm nhận diện Danh từ và vị trí của danh từ:


Khi làm bài tập về Từ loại mà ô cần điền có một trong các đặc điểm bên dưới thì có thể đó sẽ là danh từ nhé:

  •  Trước đó có mạo từ (a/an, the)

  • Trước đó có từ chỉ số lượng (some, a lot of, many,…)

  • Trước đó có tính từ sở hữu (my, his, her,…)

  • Trước đó có giới từ

  • Vị trí cần điền là chủ ngữ của câu

  • Vị trí cần điền là tân ngữ của câu (trực tiếp lẫn gián tiếp)



7. Cách nhận biết danh từ trong câu
 

Cách nhận biết danh từ trong câu